Triết thuyết giữa cho và nhận

We work to make a living. We give to make a life”.

Triết thuyết giữa cho và nhận

Qua lịch sử, con người luôn bị dằng co bởi “cho và nhận”. Kinh thánh Cơ Đốc, triết lý và văn hóa Âu Mỹ luôn ca tụng người cho. Triết thuyết Phật thì lấy đức từ bi làm căn nguyên, còn Koran của Hồi giáo cấm chuyện thu lãi suất khi cho vay nợ. Trong khi đó, lòng tham và nhu cầu sinh tồn bắt con người bình thường phải tranh đấu để “nhận” càng nhiều càng tốt, không những cho mình mà còn cho cả giòng họ con cháu. Câu nói “ người thắng cuộc là người có nhiều đồ chơi nhất khi chết” nghe như là một lời khôi hài, nhưng chứa đựng một thực tại rất đúng với đại đa số nhân loại.


Với tôi, lời của cha luôn nằm trong tâm trí, “con muốn giúp người nghèo thì đừng bao giờ làm một người nghèo.” Nếu mình không nhận, không tích tụ, thì lấy gì để cho. Muốn giúp người dốt nát, phài thu nhận kiến thức; để giúp người đau yếu, bản thân mình phải mạnh khỏe. Ngay cả khi “cho” là một mục tiêu số một của đời sống, mình vẫn phải đối diện với nhiều mâu thuẫn nội tại; vì ai cũng hiểu rằng, khi lao vào thương trường, doanh nhân gần như phải làm việc 24 tiếng mỗi ngày (khi ngủ cũng mơ đến công việc) và phải vượt qua bao áp lực, từ tài chánh, sản phẩm, nhân viên bên trong, đến khách hàng, đối thủ, thay đổi bên ngoài. Thì giờ và công sức nào còn lại để “cho”?

Phong cách và mục tiêu khi cho


Ông Bill Gates đã từng là người giàu nhất thế giới nhiều năm trước khi “cho”. Khi bị hỏi về tài sản kếch xù của mình và sự mời gọi của các chương trình từ thiện, ông thường vắn tắt là ông quá bận rộn để nghĩ đến chuyện này. Các mạng truyền thông tấn công ông với những lời lẽ dành cho bọn trọc phú bủn xỉn. Mãi đến năm 2000, khi ông hoàn tất kế hoạch “cho”, ông mới tuyên bố là chỉ giữ lại cho con cái gia đình vài chục triệu, đủ sống đời thoải mái. Tất cả tài sản còn lại, ông sẽ trao tặng hết cho từ thiện. Ông giải thích việc “cho” cũng phức tạp và khó khăn không kém việc kiếm tiền.

Trong lãnh vực từ thiện, không thiếu những đại gia giả dối dùng từ thiện để đánh bóng thành tích, sĩ diện mình một cách trâng tráo. Mặt khác, cũng rất nhiều bọn cá mập sẵn sàng lợi dụng người nghèo khổ để ăn cắp tiền trao tặng. Với nhiều nhân vật khác, “cho” là một hình thức sám hối những “tội lỗi” mình đã gây ra trong quá khứ khi tạo dựng tài sản. Những cái “cho” này có thể rất thực tình trong đáy tim buồn bã của mình; nhưng nhiều vị “cho” chỉ vì cần một vé tàu lên thiên đường như lời dọa của các vị sư sãi hay cha xứ.

Nhưng nói chung, vì thói quen quản lý hiệu quả các số tiền kinh doanh, phần lớn đại gia khi cho, đều muốn tiền mình tặng phải đem lại một kết quả tương xứng. Do đó, sự ngần ngại khi cho xuất phát từ tâm trạng không muốn bị mất vô lối số tiền mình đã khổ nhọc gây dựng. Ký một chi phiếu thì rất dễ, nhưng quản lý chặt chẽ số tiền trao tặng đòi hỏi thời gian và công sức.

Khi tỷ phú Việt cho…

Cho nên tôi rất thông cảm với những đại gia Việt Nam đang gánh chịu những điều tiếng về việc cho. Trong khi các triệu phú Âu Mỹ đã ổn định nhiều năm về mặt tài chánh, những dân mới giàu của Việt Nam vẫn phải vất vả giải quyết chuyện làm ăn hàng ngày. Giống như trường hợp Bill Gates, xin đừng trách hay thắc mắc về lòng rộng rãi nhân ái của họ. Khi sẵn sàng, họ sẽ làm ngạc nhiên chúng ta với số tiền “cho”. Chúng có thể gây ấn tựợng hơn cả những chân dài và máy bay riêng hay siêu xe họ đang “nhận”.

Một đại gia Mỹ có nói,” We work to make a living. We give to make a life”. Hiểu theo nghĩa bóng, chúng ta phải “nhận” để sống còn, nhưng chúng ta phải “cho” để tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn cho mình.

T/S Alan Phan
Share :
^